Bài - Gương xin thoát nghèo
Trong cuộc sống, có nhiều người phải đối mặt với khó khăn, thiếu thốn, nghèo đói. Tuy nhiên, họ không chịu đầu hàng số phận, mà luôn nổ lực, vươn lên, tìm kiếm cơ hội để thoát nghèo và cải thiện cuộc sống. Đó là tấm gương tiêu biểu của chị Trần Thị Mỹ Hạnh, sinh năm 1979, hiện ngụ khóm An Bình - thị trấn Ba Chúc, là nguồn cảm hứng cho nhiều người khác.
Tấm gương vượt khó, tự nguyện xin thoát nghèo tại Ba Chúc
Chị Mỹ Hạnh lập gia đình năm 1998 và cùng chồng sống ra riêng, đến năm 2003, không may chồng chị mắc bệnh nặng, được điều trị thời gian dài, chị phải bán toàn bộ nữ trang, tài sản gia đình để lo cho chồng, nhưng chồng chị vẫn không qua khỏi. Chồng chị mất năm 2007 để lại 2 con nhỏ, mà bản thân chị cũng mắc bệnh hiểm nghèo. Bao nhiêu gánh nặng đều đè lên đôi vai của chị, chị cảm thấy hoang mang và thất vọng tột cùng. Tuy nhiên, nhờ sự động viên của cha mẹ, bà con hàng xóm, chị nhanh chóng ổn định tinh thần và đưa ra quyết định, chị gửi nuôi đứa con nhỏ cho người chị ruột và đến liên hệ Ban nhân dân khóm An Bình nhờ sự giúp đỡ.
Chị Mỹ Hạnh chia sẻ: “ Gia đình tôi gặp cảnh khó khăn, chồng tôi mất, tài sản gia đình không còn gì, tôi phải làm thuê đủ việc để lo cho bản thân và 2 con ăn học, nhờ vào chính quyền địa phương xét gia đình vào hộ cận nghèo, năm 2017 xét vào hộ nghèo, con tôi được miễn học phí, nhờ được vay vốn ngân hàng chính sách tôi mới lo được chi phí sinh hoạt và chi phí học tập cho tôi. Hiện nay con tôi mới ra trường tìm được việc làm ổn định nên tôi xin được thoát nghèo. Tôi mong rằng những gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo cũng ráng phấn đấu lao động, đừng để cái nghèo đeo bám, không cho con cái đi học. Con đi học thành tài mới có tương lai tốt đẹp được.”
Năm 2008, xét thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Mỹ Hạnh, Ban nhân dân Khóm An Bình đã bình xét gia đình chị thuộc hộ cận nghèo. Chị đã nổ lực lao động, chị làm thuê làm cỏ mướn, gặt hái nông sản, quét dọn nhà thuê… để nuôi sống gia đình. Tuy nhiên, con chị ngày càng lớn, chi phí sinh hoạt ngày một tăng cao, cuộc sống gia đình chị ngày càng khó khăn hơn. Năm 2017, chính quyền địa phương bình xét gia đình chị thuộc hộ nghèo của khóm, đồng thời hỗ trợ chị tiếp cận nguồn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tri Tôn nhằm giúp chị có thêm động lực, niềm tin để cố gắng cho con chị có điều kiện để tiếp tục đi học.
Có lẽ càng vất vả, chị Hạnh càng quyết tâm lo cho con ăn học, bởi theo chị con đường học tập chính là con đường ngắn nhất để thoát nghèo. Nhờ vào việc sử dụng vốn vay hiệu quả, chị đã chăm lo chi phí sinh hoạt, chi phí học tập cho con chị, đền đáp công ơn của mẹ, con trai chị chăm chỉ học hành, đạt nhiều thành tích cao trong học tập, tốt nghiệp ra trường và có việc làm ổn định.
Song song với việc được hỗ trợ, chị Hạnh đăng ký học may gia công tại nhà nhằm phục vụ gia đình, kiếm thêm thu nhập, thay đổi cuộc sống, nâng cao kinh tế gia đình. Chị tham gia vào tổ may ở địa phương, đồng thời nhận may đồ cho bà con hàng xóm để có thêm thu nhập. Khi không có hàng để may, chị tiếp tục làm thuê làm mướn, chị thức khuya, dậy sớm, làm việc không ngừng nghỉ với mục đích chăm lo cho con ăn học nên người, từ đó thoát nghèo.
Anh Lê Văn Hùng – trưởng khóm An Bình cho biết: “ Hoàn cảnh gia đình của chị Hạnh rất khổ, một người phụ nữ yếu đuối lại phải gánh vác gia đình có 2 con nhỏ, không nghề nghiệp ổn định, không có ruộng vườn, không có tài sản gì, sức khỏe lại không tốt, chính quyền địa phương xét gia đình chị vào hộ nghèo để tạo mọi điều kiện chăm lo giúp đỡ cho chị vượt qua khó khăn, cho con ăn học, không để trẻ bỏ học giữa chừng. Cũng may, chị Hạnh rất siêng năng, cần cù lao động, chị Hạnh đã vượt bao khó khăn, con chị học hành thành đạt, rất đáng được nêu gương”.
Với tính chịu khó và siêng năng trong lao động, chị Hạnh đã quyết tâm vươn lên thoát nghèo, không phải chỉ vì lo cho gia đình, con cái có cuộc sống tốt đẹp hơn, mà còn là vì không muốn bản thân gia đình mình là gánh gặng của xã hội. Hiện tại cuộc sống gia đình chị đã dần ổn định, con chị đã ra trường và có việc làm, đã giúp đỡ chị cất lại căn nhà khang trang. Giờ đây, chị còn phải chăm lo cho con gái nhỏ tiếp tục học đại học. Tuy nhiên, chị cảm thấy mình đã đủ điều kiện để lo cho con, chị làm đơn xin thoát nghèo.
Cuộc đời chị đã thực sự thay đổi, bước sang trang mới từ chính nỗ lực, quyết tâm vươn lên cuộc sống. Đây cũng chính là động lực quan trọng để thị trấn Ba Chúc triển khai hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững. Có thể nói, gia đình chị Hạnh đã góp công không nhỏ trong công tác giảm nghèo cũng như việc phát triển kinh tế của địa phương. Chị Mỹ Hạnh là tấm gương tiêu biểu, cần cù lao động, chăm lo cho con ăn học vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, đáng được nêu gương điển hình, nhân rộng.
Tuyết Hạnh.